Giá cước cáp quang Internet quá rẻ khiến các doanh nghiệp “đau đầu”

Các doanh nghiệp viễn thông “đau đầu” vì giá cước cáp quang Internet quá rẻ. Chính sách lắp mới nhiều ưu đãi đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp.

Hiện nay, các nhà cung cấp viễn thông hầu hết đã nâng cấp hạ tầng ADSL sang hạ tầng cáp quang. Để thúc đẩy đăng kí sử dụng đường truyền mới, các doanh nghiệp ban hành chính sách giá hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng chính vì giá cước cáp quang Internet quá rẻ khiến doanh nghiệp không có lãi. Nguy cơ thị trường sẽ trở thành độc quyền khi chỉ còn 1 -2 doanh nghiệp lớn.

1. Giá cước cáp quang Internet quá rẻ làm các thuê bao liên tục chuyển mạng

Tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng đã từng bày tỏ e ngại về hiện tượng bán phá giá trong lĩnh vực dịch vụ băng thông rộng tại Hội nghị Giao ban Bộ TT&TT năm 2014. Nó khiến các doanh nghiệp không đủ tiền để tái đầu tư và không thể sống nổi. Ông Hùng cũng lưu ý bài học kinh nghiệm đã từng xảy ra đối với lĩnh vực phát triển dịch vụ 3G. Ban đầu, các doanh nghiệp cạnh tranh đua nhau giá, khi thua lỗ lại hò nhau tăng lên. Một năm sau, trong buổi tổng kết của Bộ TT&TT, ông Hùng cũng đã đề cập lại vấn đề này. Từ năm 2013 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng dịch vụ băng rộng của VNPT đã tăng gấp 20 lần về số lượng thuê bao nhưng cước dịch vụ băng rộng lại giảm rất mạnh. Nguyên nhân là do cạnh tranh giữa các nhà mạng nên cước thuê bao băng rộng giảm mạnh.

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom cũng e ngại về vấn đề trên. Sự cạnh tranh về giá vô hình trung làm cho khách hàng liên tục chuyển mạng dẫn đến việc khó có thể thu hồi vốn của các nhà cung cấp dịch vụ. Việc lôi kéo  khách hàng bằng cách giảm giá diễn ra khốc liệt. Tình trạng giảm giá, cạnh tranh dẫn đến không có sự khác biệt giữa giá cả và chất lượng dịch vụ. Khách hàng quay vòng giữa nhà mạng này sang nhà mạng khác để hưởng khuyến mãi. Điều này làm cho tỷ lệ rời mạng của các doanh nghiệp đều tăng cao.

Giá cước cáp quang Internet quá rẻ

2. Chỉ 1-2 doanh nghiệp còn tồn tại sau cuộc cạnh tranh về giá

Theo nhiều chuyên gia, việc cạnh tranh về giá sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi đó thị trường cáp quang có thể rất phát triển trong ngắn hạn nhưng dài hạn sẽ dẫn đến độc quyền. Các doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel sẽ vẫn tồn tại bởi được bù đắp bởi những dịch vụ khác. Khi thị trường không còn cạnh tranh thì khách hàng sẽ chịu ảnh hưởng nhất.

Phó Tổng Giám đốc CMC Telecom cho biết, do mức giá hiện nay đã giảm xuống quá thấp nên chỉ tập trung bán gói cước cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp với chất lượng và dịch vụ ổn định. Ngoài ra, CMC Telecom cũng chỉ bán dịch vụ Internet cáp quang ở nơi có tính ổn định.

Có lẽ không chịu nổi “nhiệt” trong cuộc đua giảm giá cước, FPT đã phải đi theo một hướng mới. Đầu tháng 7/2016, FPT Telecom đã thực hiện chương trình “Nâng băng thông – điều chỉnh ưu đãi”. Băng thông Internet được tăng lên từ 20%-70% còn mức cước được điều chỉnh từ 10 nghìn – 30 nghìn. Lý giải về sự điều chỉnh này, ông Kiên cho biết, FPT Telecom đang thực hiện nâng băng thông và giảm bớt các khuyến mại.

Việc các nhà mạng thay đổi mức cước sau khi liên tục giảm giá để cạnh tranh lẫn nhau không phải là chuyện lần đầu diễn ra. Vì vậy chính những người tiêu dùng nên có những quyết định đúng đắn nhất tránh bị ảnh hưởng.